Saturday, April 27, 2019

Thăm Mộ Ó Đen Lý Tống April 27th 2019

Hướng về Bolsa / Peek Family 





Hướng về Beach Blvd

Đồng Hương viếng mộ Ó Đen Lý Tống


Hướng về Suối Tiên 






Friday, April 26, 2019

Tang lễ Anh Hùng Lý Tống diễn ra trọng thể tại Little Saigon - Thanh Phong Viễn Đông Daily

 Hòa Thượng Quảng Thanh làm lễ cầu siêu cho anh hùng Ó Đen Lý Tống pháp danh Chính Nhân. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Bài THANH PHONG
WESTMINSTER - Liên tiếp hai ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, 20-21 tháng Tư, 2019, hàng ngàn người đã đến viếng và tiễn đưa anh hùng Ó Đen Lý Tống trong một tang lễ có một không hai tại Little Saigon, Nam California.
Trước đó, tại San Diego, nơi ông Lý Tống cư ngụ, Hội Ái Hữu Không Quân VNCH tại địa phương do chiến hữu Cù Thái Hòa làm Hội Trưởng cũng đã tổ chức tang lễ cho anh hùng Lý Tống một cách trang trọng cũng với đông đảo đồng hương và các chiến hữu QL/VNCH, CSQG tham dự. Theo lời đề nghị của Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại và tỷ phú Hoàng Kiều, quan tài ông Lý Tống được di chuyển về phòng số 5 trong Peek Family Funeral Home để các chiến hữu làm lễ phủ cờ, truy điệu và các nghi thức cầu nguyện, cầu siêu, thăm viếng; cuối cùng là buổi lễ an táng vô cùng trọng thể mà nhiều người cho rằng chưa từng có lễ an táng của người Việt nào tại đây được tổ chức lớn lao như vậy.



Linh Mục Trần Văn Kiểm làm phép quan tài và huyệt mộ cho linh hồn Micae Ó Đen Lý Tống. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Để có đủ chỗ cho nhiều người thăm viếng, ngoài phòng số 5 là phòng lớn nhất của nhà quàn. Phía ngoài nhà quàn ban tổ chức dựng một căn lều trắng rất lớn. Suốt từ ngoài cổng vào đến nơi đặt quan tài được phủ một “màu trắng khăn tang.” Câu nói bất hủ của ông Lý Tống: “Ta cúi đầu giặc Cộng cưỡi cổ - Ta đứng dậy giặc Cộng sụp đổ” và nhiều bài thơ của các tác giả viết ca ngợi anh hùng Lý Tống được phóng to treo tại phía trước căn lều này, trong đó có bài thơ rất có ý nghĩa của thi sĩ “Đả Cẩu Bổng”:
“Thương thay Lý Tống lìa trần,
Ngàn thương để lại âm thầm lệ rơi
Long lanh như áng mây trời,
Cõi nhân sinh thoáng một đời đã qua
Anh là Người Việt Quốc Gia
Quyết tâm diệt Cộng cứu nhà Việt Nam
Anh hùng Đệ Nhất giang san.”

Ông Cù Thái Hòa, Trưởng Ban Tổ Chức Tang lễ. 
(Thanh Phong/Viễn Đông)

Trong nhà quàn, quan tài ông Lý Tống được phủ lá quốc kỳ VNCH; một phần đầu quan tài được chừa ra để mọi người vào viếng anh có thể nhìn thấy gương mặt anh lần cuối, một khuôn mặt hiền từ, khả ái như đang nằm ngủ trong giấc ngủ bình yên. Ngoài quan tài, trong nhà quàn có Chương Trình Tang Lễ và lời Phân Ưu của Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại. Cả hai bảng này được đóng khung trang trọng. Trong lời Phân Ưu của Tập Thể Chiến Sĩ VNCH ghi như sau: “Thay mặt anh chị em Quân Nhân, CSQG, Cán Bộ XDNT và hậu duệ của Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại, Cầu nguyện hương linh chiến sĩ Lý Tống được yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng - Linh hồn anh sống khôn, thác thiêng hòa nhập vào hồn thiêng sông núi hỗ trợ cho cuộc đấu tranh chung của đồng bào quốc nội và hải ngoại để loại trừ bọn Cộng Sản hầu mang lại Tự Do, Dân Chủ, Phú Cường và Vẹn Toàn Lãnh Thổ Cho Tổ Quốc Việt Nam.”
Từ lúc 8 giờ sáng Chủ Nhật, một số Tăng, Ni Phật Giáo đã cử hành nghi thức cầu siêu cho ông trong nhà quàn. Đến 9 giờ 20 phút quan tài được đưa ra khỏi phòng số 5, một hàng quân danh dự đứng nghiêm giơ tay chào kính, một số phu nhân các chiến sĩ QL/VNCH mặc áo dài trắng đứng túc trực phía ngoài cũng lặng lẽ cúi đầu chào người anh hùng Lý Tống.



Tỷ phú Hoàng Kiều (giữa) đã đài thọ hết chi phí cho tang lễ anh hùng Lý Tống và là người đạo diễn buổi lễ. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Quan tài ông được đưa lên xe cũng phủ màu tang trắng, trên bầu trời chiếc máy bay L.19 kéo theo tấm biểu ngữ “Spirit Ly Tong Forever - Lý Tống Bất Diệt.” Chiếc máy bay kéo tấm bảng này bay suốt từ 8 giờ 30 sáng đến khi anh Lý Tống được an nghỉ vào lòng đất. Phía dưới, hai xe mô tô dẫn đầu đoàn xe tang rồi đến xe Quân Cảnh, một xe Cảnh Sát VNCH, 14 xe mô tô của lực lượng an ninh (Security), 24 xe mô tô phân khối lớn trong đoàn xe của LS Đỗ Phủ, 10 Xe Jeep của CLB xe Jeep QL/VNCH. Ba chiếc xe cổ mui trần, hai chiếc chở các vị lãnh đạo tôn giáo, một chiếc chở gia đình ông Lê Xuân Nhuận, bào huynh của anh Lý Tống, gần mười chiếc xe van màu đen chở các vị dân cử và phái đoàn đại diện cộng đồng Cuba, Đại Hàn…, một xe đò Hoàng chở phái đoàn từ Bắc California xuống và rất nhiều xe khác của các phái đoàn từ San Diego, Los Angeles, San Bernardino, v.v..
Đoàn xe tang rời nhà quàn đưa anh hùng Lý Tống đi thăm lại vài nơi mà trước đây anh vẫn thường có mặt cùng đồng hương trong các cuộc đấu tranh chống Cộng như Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Tượng Đài Đức Trần Hưng Đạo. Hàng ngàn đồng hương đã đứng hai bên đại lộ Bolsa, từ ngã tư Brookhurst đến ngã tư Bolsa - Magnolia nhất là khúc đường từ Phước Lộc Thọ đến trước tượng đài Đức Trần Hưng Đạo để chào vĩnh biệt người anh hùng mà họ cảm phục và yêu mến.



Ông Lê Xuân Nhuận, bào huynh của ông Lý Tống, và con gái ông đang nói lời cảm tạ. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Đoàn xe về lại nghĩa trang Westminster Memorial Park vào lúc 10 giờ 55 phút. Tại đây ban tổ chức có dựng sẵn ba lều trắng rất lớn cho quan khách và đồng hương có đủ chỗ ngồi tham dự. Linh cữu được đưa từ xe tang đi giữa hàng quân danh dự vào đặt trên một bục cao để cử hành nghi thức an táng theo Phật Giáo và Công Giáo. Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, Viện Chủ chùa Bảo Quang đứng chủ sám cho buổi lễ cầu siêu cùng một số chư Tăng, Ni. Buổi lễ do Hòa Thượng Quảng Thanh kéo dài hơn 30 phút. Sau khi nói mấy lời ca ngợi anh hùng Lý Tống, Hòa Thượng và một số chư tăng ni đứng trước linh cữu tụng kinh bằng tiếng Phạn cho anh hùng Lý Tống, Pháp danh Chính Nhân. Vì Hòa Thượng tụng kinh bằng tiếng Phạn nên chúng tôi không thể viết rõ lời kinh, ngoại trừ câu “Nam Mô tiếp dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.” Tuy nhiên ai cũng hiểu đó là những lời cầu nguyện cho hương linh anh hùng Lý Tống được siêu thoát về cõi Niết Bàn. Hòa Thượng Quảng Thanh miệng niệm câu trên, tay bứt từng nhánh hoa trắng trong ba bốn bó hoa lớn rắc trên quan tài anh Lý Tống. Trong lúc đó, chúng tôi thấy Trưởng lão Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Phó Thượng Thủ Giáo Hội Phật Giáo VN Trên Thế Giới đứng trong lều cùng một số chư Tăng, Ni.
Sau lễ cầu siêu của chùa Bảo Quang, bào huynh của anh Lý Tống là Trung Tá Lê Xuân Nhuận và con gái thứ tư của ông là cô Lê Xuân Nguyên, cháu của anh Lý Tống được MC Đỗ Vẫn Trọn giới thiệu và mời lên nói lời cảm tạ. Vì lý do sức khỏe và quá xúc động, ông Lê Xuân Nhuận đã nhờ ái nữ của ông đọc những lời cảm tạ ông viết sẵn. Trong đó, ông “Cám ơn tất cả qúy đồng hương khắp nơi trên thế giới khi nghe tin Lý Tống lâm trọng bệnh đã gửi điện thư thăm hỏi hoặc trực tiếp gặp gia đình, thân hữu chúng tôi để hỏi thăm về tình hình sức khỏe Lý Tống, và hôm nay đến đây bằng nhiều phương tiện để đưa tiễn Lý Tống, gia đình chúng tôi xin ghi nhận một số cử chỉ trong vô vàn cử chỉ cao đẹp mà qúy vị đã thể hiện nói lên tấm lòng yêu thương Lý Tống. Xin tri ân quý Hòa Thượng, quý Linh Mục đã cử hành các nghi thức tôn giáo cho Lý Tống.”
Hai người được ông Lê Xuân Nhuận và tang quyến tri ân đặc biệt nhất là ông Cù Thái Hòa, Hội Trưởng Hội Không Quân VNCH San Diego, “người đã luôn túc trực bên giường của Lý Tống, người đã từng bỏ ăn, bỏ ngủ, bỏ cả công việc kinh doanh để lo cho Lý Tống, và tập thể anh em KQ San Diego đổ dồn vào bệnh viện để ủng hộ tinh thần Lý Tống. Hơn hết, một người không thể thiếu và không có anh, chúng ta không thể tổ chức cho Lý Tống một tang lễ hoành tráng như mọi người mong ước, đó là anh Hoàng Kiều (xin mọi người dành cho anh Hoàng Kiều một tràng pháo tay). Hoàng Kiều là một người thân của gia đình. Anh và tôi đã có chung một thời gian vàng son chiến đấu dưới lá cờ VNCH. Từ 1973 đến 1975 tôi, Giám Đốc ngành Cảnh Sát Đặc Biệt Vùng 1, đảm nhiệm việc giữ an ninh cho vùng địa đầu giới tuyến được bình yên, không còn đảng phái đối lập, ngăn chận Cộng sản VN xâm nhập vào phái đoàn Cộng Sản Ba Lan, Hungary, góp phần mở đường cho CIA đưa Khối Cộng Sản Đông Âu về với Thế Giới Tự Do. Người bạn đồng minh tức cố vấn CIA, Đại tá Peterson, và người phụ tá Việt Nam rất cần thiết lúc đó chính là Hoàng Kiều. Tinh thần Hoàng Kiều dành cho chúng tôi và cho Lý Tống chính là tình anh em, tình huynh đệ, tình đồng hương, tình đồng đội. Hoàng Kiều đã không ngần ngại ngày đêm mưa nắng, bỏ công việc riêng để lo cho Lý Tống trên giường bệnh và đã ưu ái tổ chức tang lễ và nơi an táng cho Lý Tống có một không hai. Ông cũng là ân nhân của rất nhiều người. Tóm lại, xin cám ơn tình yêu thương của tất cả mọi người đã dành cho em tôi, Lý Tống. Xin thành kính cám ơn.”
Sau đó ông Lê Xuân Nhuận đọc bài thơ “Vĩnh Biệt Lý Tống” do ông viết. Tiếp đến là nghi thức làm phép huyệt mộ của Công Giáo do LM Giuse Trần Văn Kiểm, Giám Đốc TTCGVN, LM niên trưởng Mai Khải Hoàn (Hội Đồng Liên Tôn VN), LM Đặng Văn Chín, nguyên Tuyên Úy Quân Chủng Hải Quân Hoa Kỳ và LM Nguyễn Toàn Minh.
Trước khi cử hành nghi thức, LM Trần Văn Kiểm nói, “Chúng tôi và các Linh mục cùng nhiều tín hữu Công Giáo hiện diện nơi đây cầu nguyện cho anh Lý Tống.”
Sau khi đọc lời cầu nguyện, LM Đặng Văn Chín đọc bài Phúc Âm nói về 8 Mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu đã nói khi Người còn ở trần gian, một trong 8 mối đó là “Phúc cho những người công chính vì Nước Trời là của họ.” LM Đặng Văn Chín có lời chia sẻ, “Chúng ta thấy trong niềm tin của Kytô giáo, căn cứ vào Kinh Thánh và giáo lý của Giáo Hội, thì Ó Đen Micae Lý Tống đã thực hiện phi vụ cuối cùng và sau cuộc phán xét đây sẽ đáp xuống một trong ba nơi là Thiên Đàng, Hỏa Ngục và Luyện Ngục. Thiên Đàng chính là quê hương chân thực và vĩnh cửu mà Chúa mong muốn cho nhiều người sau khi chấm dứt hành trình nơi trần thế sẽ được sống trước nhan thánh vinh hiển và bất tận của Thiên Chúa. Hỏa Ngục là nơi dành cho kẻ khi sống đã chống đối Thiên Chúa, sống theo ý riêng của mình, sống theo quyến rũ của ma quỷ và thế gian, làm những sự dữ và tội lỗi. Luyện Ngục hay Luyện Tội là tiến trình tôi luyện cần thiết cho linh hồn nào còn chưa thánh thiện đủ, chưa ăn năn đủ để xứng đáng giáp mặt với Thiên Chúa trong vinh quang trên Trời. Chúng ta nghe anh hùng Lý Tống đã ghi lại câu nói để đời: Tôi tin tưởng vào Thiên Chúa, công lý và nhiệm vụ chống Cộng của chính mình. Chính trong niềm tin đó, dù phải ba lần ra tòa, hai lần trong ngục tù, người hùng Lý Tống vẫn kiên quyết giữ một lòng chống đối Cộng Sản kịch liệt, chống bọn gian tham bán nước, sát hại dân lành, cướp bóc tài sản. Qua cuộc đời của Lý Tống, anh đã chứng tỏ là người biết xót thương người thì sẽ được Thiên Chúa xót thương, người hùng Lý Tống đã cố gắng trọn đời xây dựng hòa bình sẽ được gọi là con Thiên Chúa; biết ăn ở công chính thì nước Trời sẽ dành cho anh. Tuy nhiên, đã là người, không ai toàn thiện được, nên có thể linh hồn Micae Lý Tống hôm nay vẫn còn những thiếu sót lỗi lầm, có thể ông vẫn còn cần thêm những lời cầu nguyện của chúng ta để đền bồi những tội lỗi yếu đuối của ông khi còn bay bướm trên trần gian. Giờ đây, chúng ta tha thiết nài xin ơn cứu chuộc của Chúa Phục Sinh xóa đi những dấu vết tội lỗi trong cuộc đời Ó Đen Micae Lý Tống để xin Thiên Chúa chúc phúc cho ông, vì phúc thay cho anh em vì Thầy mà bị người ta bách hại xỉ vả và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng vì phần thưởng dành cho anh em thật lớn lao trên Trời, và chúng ta cũng cầu xin, khi Ó Đen Lý Tống đã hạ cánh an toàn trên nước Trời, Ó Đen Lý Tống cũng tiếp tục oanh kích bọn quỷ đỏ Ba Đình và bè nhóm Cộng nô để chúng sớm bị quăng vào lò lửa hỏa ngục hầu cứu đất nước được hưởng độc lập, tự do và thanh bình, và đồng bào được no ấm, hạnh phúc. Amen.”
LM Trần Văn Kiểm tiếp tục dâng lời cầu nguyện và sau mỗi lời cầu nguyện, các tín hữu có mặt thưa “Xin Chúa nhậm lời chúng con.” Cuối lời cầu nguyện, mọi người đọc kinh Lạy Cha, LM ban phúc lành của Chúa cho mọi người và ca đoàn hát Kinh Hòa Bình để kết thúc nghi thức Công Giáo.
Sau đó có những lời phát biểu của một số quan khách và anh hùng Ó Đen Lý Tống đã được an nghỉ vào lòng đất vào đúng 1 giờ 30 chiều đúng vào ngày đại lễ Chúa Phục Sinh năm 2019. Thân nhân của gia đình anh Lý Tống, sau đó mọi người lần lượt đi qua huyệt mộ bỏ những cành hoa xuống vĩnh biệt người hùng Ó Đen Lý Tống về miền viên miễn.



(Thanh Phong/Viễn Đông)
Một số độc giả Viễn Đông muốn biết rõ về tôn giáo của anh hùng Lý Tống, vì ông vừa có tên Thánh Micae, vừa có pháp danh Chính Nhân, nên trong lúc chờ di quan, chúng tôi đã hỏi trực tiếp ông Cù Thái Hòa, Trưởng Ban Tổ Chức Tang Lễ, ông Cù Thái Hòa cũng là người bạn thân thiết nhất, một đồng đội chung một binh chủng Không Quân với anh hùng Lý Tống, được ông Hòa trả lời nguyên văn như sau, “Lúc đầu tôi không biết anh Tống theo tôn giáo nào nhưng khi anh gần mất thì tôi bàn với gia đình thì gia đình đồng ý cho anh ấy theo đạo, và đồng thời tôi là người dọn phòng cho anh, tôi thấy phòng anh có hình Thánh Giá, thành ra vấn đề tôn giáo đâu có gì đâu, bên Chúa bên Phật thì cũng như hai quốc tịch đâu có sao đâu! Tôi với anh Nhuận là hai người quyết định để anh Tống theo đạo, vì lúc anh Tống còn sống, anh thường nói với tôi về Thượng Đế, cái gì anh cũng nói Thượng Đế ban cho, thành ra giờ phút chót anh nằm đó rồi thì chúng tôi làm được cái gì cho anh thì chúng tôi làm. Chúng tôi làm việc tốt cho anh chứ đâu làm việc xấu cho anh đâu; đâu có đưa anh về với ma quỷ mà đưa anh về với Chúa. Tôi là người dọn nhà anh, tôi thấy có cỗ tràng hạt của anh tôi đang mang đây, và thấy anh trưng bày hình Thánh Micae nữa nên tôi ngạc nhiên trùng hợp và tôi nghĩ có sự sắp xếp của Chúa để tôi đưa anh về với Chúa.”
Còn tại sao anh có pháp danh là Chính Nhân? Hòa Thượng Quảng Thanh cho biết trong lễ cầu siêu tại chùa Bảo Quang ngày 13 tháng 4, 2019: “Lý do chùa tổ chức cầu siêu cho anh Tống là vì tôi nghe người nhà anh nói hồi anh mới 5 tuổi, người nhà anh có dẫn anh đi chùa. Ngoài ra, khi sắp qua đời, tôi có thấy ni sư đến cầu an và sám hối cho anh. Thêm vào đó, qua yêu cầu của gia đình anh, một số chư Tăng, Ni ở Little Saigon, chùa quyết định làm một lễ cầu siêu trang trọng cho anh.”
Tùy theo niềm tin tôn giáo của mỗi người, chúng ta hãy cầu nguyện cho linh hồn anh hùng Ó Đen Lý Tống được bay về nơi anh ước ao muốn đến.
Không chỉ người Việt Quốc Gia ca ngợi ông Lý Tống là anh hùng, cộng đồng người Cuba lưu vong cũng xưng tụng ông là anh hùng của người Cuba, khi ông dám bay về nước họ thả truyền đơn kêu gọi người dân Cuba nổi dậy lật đổ chế độ Cộng Sản như ông đã làm trên vùng trời Saigon. Tang lễ anh hùng Ó Đen Lý Tống do Hội Ái Hữu Không Quân VNCH San Diego tổ chức và mọi chi chi đều do ông Hoàng Kiều đài thọ.
Thanh Phong - Viễn Đông Daily 

Nghi Lễ An Táng Ó Đen Lý Tống - Mỹ Linh NEWS ANCHOR

Luận về Lý Tống - Huy Phương

“Cái quan luận định” (Đậy nắp hòm mới có thể luận định đúng sai, khen chê hay dở).
Khi những dòng chữ này đến tay bạn đọc, Lý Tống chưa yên nghỉ trên vùng đất xứ người, một điều chắc ông cũng không vui khi phải chọn nơi này để gửi xác thân, nhưng nắp quan đã đậy rồi.
Không cần phải sử dụng một danh vị, chức tước nào đi theo với cái tên Lý Tống, cuộc đời ông không có mà cũng không cần.
Nếu học để thành khoa bảng hay chen chân vào dòng chính để có một địa vị, hoặc quyết chí làm giàu, tôi nghĩ điều đó không khó với Lý Tống. Ai cũng biết Lý Tống thông minh, can đảm và có kiến thức, mưu lược.
Tựu trung chỉ có hai chữ Anh Hùng mới xứng đáng nằm cạnh tên Lý Tống. Chúng ta đã chẳng từng gọi là “Anh Hùng Lý Tống” hay “Lý Tống, Anh Hùng” đó sao!
Người ta gọi Lý Tống là anh hùng, cũng có người coi Lý Tống là điên rồ, lập dị, xốc nổi hay là anh hùng cá nhân, nhưng tựu trung không ai làm được như Lý Tống.
Trong cuộc đời thường, ai cũng muốn có một đời sống bình thường, yên ổn bên vợ con, dưới một mái ấm gia đình. Lý Tống tìm một con đường khác với chúng ta, khát khao với lý tưởng, không hề sợ khổ sợ khó, không hề sợ chết, sẵn sàng vào tù ra khám, chấp nhận gian lao, chịu cho thân thể đọa đày.
Vào những ngày cuối Tháng Tư, trong khi chúng ta hầu hết đều cam phận quy hàng, hay vì tiết tháo đã chọn cái chết để rửa nỗi nhục thất trận, thì Lý Tống vẫn còn trên không phận, lái chiếc A-37 của phi đội Ó Đen, đánh bom vào trục tiến quân của Việt Cộng. Phi cơ bị phòng không của địch bắn rơi, Lý Tống bị giam trong nhà tù. Trong nhà tù, hai lần vượt trại, Lý Tống luôn luôn là một người tù khẳng khái, ngẩng cao đầu trước bạo quyền và những kẻ có súng đạn trong tay, làm cho đồng đội và đồng bào nể phục. Trong nhà tù gian khổ, đói khát, bị bức hiếp, mấy ai hành động được như ông?
Thay vì yên phận, chờ ngày phóng thích rồi may mắn được ra đi như hàng chục nghìn người tù miền Nam khác, nhưng Lý Tống đã chọn con đường đi của mình. Ông vượt ngục bằng đường bộ sang Cambodia bằng đường bộ đến Thái Lan, bơi qua eo biển Malaysia, xin tị nạn chính trị tại Singapore và cuối cùng định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1984, theo học bậc cao học tại đại học New Orleans.
Đây cũng là giấc mơ Mỹ của nhiều người dân trên thế giới, nhưng không chịu ở yên, mới 8 năm, “trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương,” năm 1992, Lý Tống trở về Việt Nam, uy hiếp phi công chiếc A310 của Hãng Hàng Không Việt Nam bay qua Sài Gòn để thả truyền đơn xuống kêu gọi nhân dân Việt Nam nổi dậy chống lại cường quyền. Sau đó, Lý Tống nhảy dù xuống một ao rau muống và bị bắt, bị kết án 20 năm tù vì tội cướp máy bay. Nhưng 6 năm sau, Lý Tống được thả ra tù và bị trục xuất về Hoa Kỳ.
Năm 2000, Lý Tống dùng một chiếc máy bay nhỏ bay từ Florida sang La Habana, Cuba thả truyền đơn kêu gọi nhân dân Cuba nổi dậy. Trở về Hoa Kỳ, ông bị thẩm vấn bởi Cục Di Cư và Hải Quan Hoa Kỳ nhưng được trắng án và tha bổng. Với hành động này, Lý Tống được những người Cuba chống Cộng ở Mỹ coi như một “anh hùng”!
Năm 2000, Lý Tống lại cướp một chiếc máy bay nhỏ tại Thái Lan bay sang Saigon, thả hơn 50,000 tờ truyền đơn. Lúc trở về Thái Lan, ông bị bắt giữ và bị tòa án Thái Lan kết án 7 năm tù. Tòa án Thái Lan từ chối dẫn độ Lý Tống về Việt Nam với lý do đây là một hành động chỉ mang tính chất chính trị.
Năm 2008, Lý Tống lại thuê một chiếc máy bay huấn luyện của Nam Hàn định bay đi rải truyền đơn tại Bắc Hàn nhưng bị bắt tại sân bay Seoul.
Năm 2010, Lý Tống hóa trang thành một phụ nữ, ngồi ở hàng ghế đầu trong một buổi trình diễn ca nhạc của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng từ Việt Nam sang tại San Jose, giả vờ tặng hoa rồi xịt hơi cay vào mặt ca sĩ này. Hai năm sau, tòa xét xử Lý Tống sáu tháng tù và ba năm quản chế vì tội hành hung.
Nếu so với những hành động gan dạ, sấm sét của Lý Tống như vượt ngục, bay vào đất giặc, việc giả trang để tìm cơ hội xịt hơi cay vào mặt một ca sĩ từ trong nước ra, lấy chuyện ca hát kiếm ăn, như Đàm Vĩnh Hưng, không xứng đáng là việc làm của một người đã được vinh danh là anh hùng. Lý Tống đã từng lớn tiếng đứng trước tòa án, bay trên đầu giặc, đối đầu với cả một chế độ, Đàm Vĩnh Hưng chẳng qua là một cá nhân bé nhỏ, cũng chẳng đại diện cho ai, không đáng cho Lý Tống ra tay.
Mặt khác, Lý Tống vốn được xem là con người tài hoa mà cũng lắm số đào hoa. Điều này người nhà của Lý Tống và những người gần gũi với ông đều cũng đã xác nhận. Nhưng người ta trách trong cuốn hồi ký “Ó Đen,” Lý Tống đã để lại hình ảnh, bút tích và những chuyện tình ngày cũ, mà ngày nay, những nhân vật này đã lập gia đình hay có một đời sống khác. Đó cũng là một khuyết điểm của ông, vì tuổi trẻ xốc nổi, hay vì thành tích đào hoa của ông. Thôi thì cứ cho một người có tài hẳn phải có tật.
Chính ông Lê Xuân Nhuận, anh ruột Lý Tống, cũng đã xác nhận điều này, mỗi lần lên thăm ông, bên cạnh Lý Tống đều hiện diện những phụ nữ nhan sắc khác nhau, chắc hẳn ông chẳng chung thủy với ai.
Lý Tống không chung thủy với ai, “chàng như con bướm lượn vành mà chơi, “ nhưng có một điều mà Lý Tống chung thủy như nhất, đó là lý tưởng chống Cộng và không chấp nhận Cộng Sản bất cứ đâu, trong thời gian nào. Ông bền gan, kiên chí đấu tranh không mỏi mệt. Ông không có tài sản, không có gia đình, nhưng sự nghiệp của ông là một sự nghiệp anh hùng.
Lý Tống có nhiều tình nhân nhưng ít tri kỷ.
Lý Tống hành động đơn độc, quyết định một mình, không tin tưởng ai, không phối hợp với ai nên khi thất bại cũng không liên lụy đến ai. Tổng cộng, Lý Tống đã bốn lần bị kết án, và nhận lãnh những bản án, tổng cộng 32 năm tù giam, tất cả đều là những hành động chống Cộng Sản, dù đó là Cộng Sản Bắc Việt, Cuba hay Bắc Hàn. Phải nói là tên tuổi của Lý Tống đi vào lịch sử, không những với đồng bào tị nạn Cộng Sản ở ngoại quốc, mà cả với dân chúng trong nước.
Cuộc đời ví như trò chơi dưới mắt Lý Tống, kể cả những lúc nguy hiểm, ra tòa ở Việt Nam, ông còn muốn tặng hoa cho tiếp viên hàng không trên chuyến bay mà ông đã khống chế để rải truyền đơn. Chưa ai thấy ông băn khoăn, sợ hãi hay lùi bước trước những tai họa đến với ông, vì ông đã chấp nhận trước những điều ấy!
Hàn Mạc Tử bi quan, lo sợ đến ngày nhắm mắt ra đi, “không có nàng Tiên mô đến khóc, đến hôn anh và rửa vết thương tâm,” nhưng Lý Tống thì sẽ có vài mươi người phụ nữ sụt sùi trong đám tang ông, và hàng ngàn chiến hữu, cũng như những người hâm mộ ông đến ngậm ngùi đưa tiễn ông trong ngày ông ra đi.
Người viết bài này, tài hèn, sức mọn, trước sau, vẫn xem Lý Tống là một anh hùng, độc giả cứ xem đây như là một vài dòng đưa tiễn của một người đồng đội, mà không là chuyện “luận” hay “luận anh hùng” như đã ghi ở đầu bài.
Huy Phương

Wednesday, April 24, 2019